17 Tháng Mười Hai 2024
Giới thiệu về phường 15 quận 10

I. ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN:

1. Địa lý tự nhiên:

- Vị trí địa lý: Phường 15 Quận 10 nằm ngay tọa độ địa lý vào khoản 10010’ đến 10038’ vĩ độ Bắc và 106022’ đến 106054’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp Phường 6 Quận Tân Bình và Phường 11 Quận 3, phía Nam giáp Phường 12, phía Đông giáp Phường 13, phía Tây giáp Phường 14 và Phường 6 Quận Tân Bình, phường có diện tích tự nhiên là 77,76 ha.

- Khí hậu: Nằm vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo với hai màu rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch. Mùa nắng từ tháng 10 đến tháng 4 dương lịch năm sau. Số giờ nắng từ 160 đến 270 giờ một tháng, nhiệt độ trung bình 270C, cao nhất lên tới 400C, thấp nhất xuống 13.80C. Sự trên lệch về nhiệt độ giữa mùa nắng và mùa mưa, giữa ban ngày và ban đêm ở đây cách nhau không lớn. Lượng mưa trung bình hàng năm đạt 1.949mm/năm.

Phường 15 chịu sự ảnh hưởng bởi hai hướng gió chính là gió mùa Tây – Tây Nam và Bắc – Đông Bắc. Gió Tây – Tây Nam từ Ấn độ Dương, tốc độ trung bình 3,6m/s, vào mùa mưa. Gió Bắc – Đông Bắc từ biển Đông, tốc độ trung bình 2,4m/s, vào mùa khô. Ngoài ra còn có gió tín phong theo hướng Nam – Đông Nam vào khoản tháng 3 tới tháng 5, trung bình 3,7m/s. Trung bình, độ ẩm không khí đạt bình quân 79,5%/năm

- Địa hình và địa chất: Địa hình của phường tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 5 đến 10 mét. Không bị chia cắt bởi sông ngòi, kênh, rạch.

Địa chất của phường bao gồm hai dạng trầm tích chủ yếu là Pleistocen và Holocen lộ ra trên bề mặt. Nhờ trầm tích Pleistocen nên có được lượng nước ngầm khá phong phú, chất lượng nước tốt, trữ lượng dồi dào, thường được khai thác ở tầng 60-90m

2. Lược sử hình thành địa danh và địa bàn Phường 15 Quận 10:

Thực hiện quyết định số 33-HĐBT ngày 14/2/1987 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc điều chỉnh địa giới hành chính của Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh: Phường 25 được nhập thêm phần đất của Phường 24 và đổi tên thành Phường 15.

So với các phường khác trong quận, Phường 15 có một số đặc điểm như sau:

- Trên địa bàn phường có nhiều di tích, công trình truyền thống như: Nhà Truyền thống của quận, Nhà bia ghi danh 1.552 liệt sĩ của quận, tượng đài cố Tổng Bí thư Trần Phú, bia tưởng niệm đồng chí Lê Thị Riêng, đồng chí Trần Văn Kiểu. Nơi đây còn là nơi chôn cất nhiều cán bộ tiền bối của Đảng ta như Trần Quốc Thảo, Lý Chính Thắng, Lý Tự Trọng... và hàng chục địa chỉ đỏ.

- Ngoài ra còn có 02 địa danh mà khi nói tới bất cứ người dân nào của thành phố đều biết đến, đó là cư xá Bắc Hải và Công Viên văn hóa Lê Thị Riêng.

+ Cư xá Bắc Hải được xây dựng từ thời Ngô Đình Diệm để cho sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng hòa ở, lúc đầu gọi là cư xá sĩ quan Chí Hòa, sau đổi tên thành cư xá Bắc Hải. Đây là khu vực biệt lập thuộc sự quản lý của quân đội ngụy. Về mặt hành chính, chúng cử ra một cư xá trưởng có cấp bậc quân hàm thiếu tá đứng đầu để quản lý an ninh, trật tự trong cư xá. Đến trước ngày 30/4/1975, cư xá trưởng một trung tướng ngụy. Trong cư xá có 30 gia đình sĩ quan cấp tướng, 423 gia đình sĩ quan cấp tá, 175 gia đình cấp úy cư ngụ. Xung quanh cư xá là các căn cứ quân sự và trại lính của địch như: trại biệt động quân Đào Bá Phước, trung tâm quản trị trung ương, trung tâm thẩm vấn, trung tâm tình báo hỗn hợp... Sau ngày 30/4/1975, hầu hết tướng, tá của quân đội Sài Gòn bỏ chạy khỏi cư xá, chính quyền cách mạng quản lý và bố trí cho các đồng chí cán bộ trung, cao cấp của quân đội ta về nghỉ hưu tại đây.

+ Công viên Lê Thị Riêng trước giải phóng là nghĩa trang Đô Thành. Nơi đây là một khu vực nổi tiếng về tệ nạn xã hội. Năm 1988, nghĩa trang này được Ủy ban nhân dân thành phố cho quận giải tỏa để xây dựng công viên văn hóa mang tên Lê Thị Riêng – nguyên là Trưởng Ban Phụ vận Khu Sài Gòn – Gia Định, Phó Hội trưởng Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ ngày thành lập đến nay, trải qua nhiều thăng trầm, Công viên văn hóa Lê Thị Riêng chẳng những đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần mà còn là nơi giáo dục truyền thống dân tộc cho nhân dân trong phường nói riêng, nhân dân Quận 10 và thành phố nói chung.

II. CON NGƯỜI:

Theo số liệu thống kê mới nhất thì dân số của phường có 27.983 người. Trong đó nam là 12.002 người và nữ là 15.981 người. Số người có hộ khẩu thường trú 24.054 người, tạm trú là 3.592 người. Số người trong độ tuổi lao động là trên 18.000 người, chiếm gần 70% dân số.

Về thành phần dân tộc: Cư dân sinh sống trên địa bàn phường khá thuần nhất (90% dân số là người Việt). Ngoài người Việt ra còn có một số ít là người Hoa. Các dân tộc sinh sống trên địa bàn phường từ xưa đến nay luôn mang trong mình truyền thống đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau.

Về đời sống tâm linh: Trên địa bàn phường có 01 chùa là chùa Định Thành, 02 nhà thờ là nhà thờ Hòa Hưng và nhà thờ Tống Viết Bường, 01 hội thánh, 01 đài nguyện. Các cơ sở tôn giáo này thường xuyên được trùng tu, sửa chữa ngày càng khang trang, không chỉ là nơi hành đạo mà còn là nơi hành hương của nhiều bộ phận nhân dân trong những ngày lễ hội./.

Chuyên mục

Tranh cổ động